Chủ nhật, Ngày 28/04/2024

Đông y trong cuộc sống

  • 12/05/2015
  • 3003 lượt xem

Khi có dịp bàn về Đông y, hầu hết mười lần như một có ai đó lắc đầu theo kiểu khó ăn vì lỗi thời. Đáng tiếc, thậm chí cũng đáng trách vì đa số người chê Đông y vẫn chưa biết là y học cổ truyền phương Đông hiện nay đang được khai thác như thế nào ở các nước phương Tây.

 

Ngay cả dưới góc nhìn chủ quan, nền Đông y có muốn cũng không thể lỗi thời, cho dù kỹ thuật hiện đại đang và tất nhiên sẽ tiếp tục chiếm ưu thế ở thiên niên kỷ này. Lý do rất đơn giản, kinh nghiệm đã biến thành quy luật của Đông y, không chỉ nói riêng ở nước mình, đã gắn chặt từ bao thế hệ trong cuộc chiến giành lại sức khỏe của người “da vàng”.

Làm sao có thể lỗi thời khi con người thời nào cũng muốn sống khỏe. Đông y nếu lỗi thời chỉ trật nhịp về cách diễn đạt. Đông y thậm chí đang và sẽ tiếp tục là thị hiếu, là hướng đi, thậm chí là lối thoát cho nhiều lĩnh vực y học trong thiên niên kỷ mới. Bằng chứng là tất cả các công ty, tập đoàn lớn trong ngành dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm… ở các nước công nghệ tiên tiến đã từ lâu mạnh dạn đầu tư rất nhiều tiền của cho lĩnh vực nghiên cứu Đông y. Tại sao? Vì đó là nguồn kiến thức mênh mông để xây dựng sản phẩm mới.

Chỉ nói riêng ở Đức, y sĩ đoàn bên đó không thể vô cớ cổ động thầy thuốc học thêm Đông y trong chương trình tu nghiệp sau đại học. Thầy thuốc ở Đức, Áo, Thụy Sỹ…, các quốc gia xưa nay nổi tiếng bảo thủ, phải có lý do nào đó để thay đổi quan điểm tư duy đến độ việc biết thêm Đông y trở thành niềm hãnh diện. Họ tất nhiên không dại gì làm thế nếu Đông y lỗi thời, nếu Đông y không là viên ngọc quý chưa được mài dũa đúng mức. Người đang áp dụng Đông y, người muốn ứng dụng Đông y đừng sợ lỗi thời. Trái lại, có thể yên tâm là Đông y tuy bắt nguồn từ quá khứ, nhưng nếu áp dụng đúng cách, đó chính là nền y học của hôm nay và cả ngày mai.

 

Đáng tiếc hơn nữa là không ít thầy thuốc Tây y thậm chí phản đối việc áp dụng Đông y. Điều đó không chỉ xảy ra ở nước mình, mà ở khắp nơi trên thế giới, ngay cả ở Trung Quốc, chiếc nôi của Đông y. Không thể trách họ vì nếu chưa biết rõ tất nhiên khó hiểu đúng.

Một số đồng nghiệp thuộc giới Tây y không hoàn toàn vô lý nếu có khuynh hướng phản đối, thậm chí chỉ trích chẳng qua vì Đông y không hẳn lúc nào cũng được thực hiện một cách nghiêm chỉnh.Nhưng đừng vì thế mà vội vàng vơ đũa cả nắm.

Mặt khác, cũng không thiếu thầy thuốc Tây y sau nhiều năm lăn lộn trong nghề lại mở rộng tầm tay và tầm nhìn về phía Đông y, vì chính họ hiểu hơn ai hết đâu là điểm bế tắc của Tây y. Không thể đồng cảm nếu không cùng ngôn ngữ. Thầy thuốc nào cũng cần liệu pháp hiệu quả nhưng nhiều thầy thuốc Tây y sở dĩ không sẵn sàng áp dụng Đông y chẳng qua vì Đông y được diễn đạt bằng ngôn ngữ nghe qua như tiếng Việt, nhưng trên thực tế lại chẳng khác nào ngoại ngữ, nếu cứ trình bày theo kiểu “hàn nhiệt hư thực biểu lý âm dương”.

Trái lại, nhiều thầy thuốc Tây y chắc chắn sẽ ứng dụng Đông y nếu họ hài lòng với kết quả thực nghiệm vì không chỉ họ mà bệnh nhân cũng được hưởng lợi nếu nhà điều trị biết thêm Đông y.

Một nền Đông y không thể tồn tại với bề dày lịch sử nhiều ngàn năm nếu không có cơ sở khoa học. Không lạ gì khi hầu hết các trường đại học ở Âu-Mỹ đang nghiên cứu và giảng dạy Đông y một cách trân trọng. Cách làm của họ chỉ khác nước mình ở chỗ họ dạy Đông y không phải để người học trở thành Đông y sĩ rồi bơ vơ vì thiếu kinh nghiệm, hay thành bác sĩ Đông y rồi bẽ bàng vì nửa nạc nửa mỡ, mà để mọi người có thể vận dụng trong hoàn cảnh cá biệt và nhất là để thầy thuốc Tây y có thêm phương tiện điều trị hiệu quả, an toàn và tiện dụng.

Liệu pháp nào cũng vậy, không thể hiệu quả nếu dùng sai chỉ định. Với Đông y cũng thế. Sai lầm nghiêm trọng thường gặp là: hoặc thầy thuốc Đông y nhất định chỉ dùng Đông y để trị mọi chứng bệnh, cứ như Tây y chỉ hiện hữu trên hành tinh khác!; hoặc bệnh nhân chạy đến Đông y sau khi hết đường chạy thuốc với Tây y, cứ như họ để dành Đông y vào phút cuối!

Đáng tiếc, vì nếu nói một cách tóm lược, thế mạnh của Đông y có thể gom vào hai chữ “Tiền” và “Hậu”. Xin đừng hiểu lầm, đây không có nghĩa là “trả tiền hậu hĩ”, mà là theo tiếng Hán. Tiền là trước, có nghĩa là trước khi mắc bệnh. Hậu là sau, có nghĩa sau khi qua cơn bệnh cấp tính. Nói cách khác - Đông y - y thuật của phương Đông với đặc điểm chẩn đoán dựa vào học thuyết khí lực và điều trị toàn diện dựa trên cơ chế sinh học bằng cách cải thiện nội lực của bệnh nhân thông qua sức kháng bệnh từ thiên nhiên, nên được áp dụng rộng rãi dưới ba hình thức cơ bản là: phương tiện phòng bệnh cho người chưa bệnh; để kết hợp với Tây y trong điều trị bệnh mãn tính; và nhằm điều trị phục hồi sau cơn bệnh cấp tính.

Nói thế có nghĩa là không nên, hay chính xác hơn là không được áp dụng Đông y cho bệnh cấp tính cần được can thiệp bằng kỹ thuật hiện đại vì đó là mặt mạnh sẵn có và không thể thay thế của Tây y. Mặt khác, nếu muốn sử dụng Đông y với hiệu quả tối ưu thì không chỉ thầy thuốc Tây y cần biết Đông y, mà thầy thuốc Đông y cũng cần được trang bị kiến thức cơ bản về Tây y. Cả hai mặt đều còn thiếu ở nước mình dù là Nhà nước đã kêu gọi kết hợp Đông Tây y từ nhiều chục năm qua! Kết hợp không có nghĩa là nhào trộn thành một khối cho xong, mà là kết sao cho… hợp!

Không chỉ có bấy nhiêu điều đáng tiếc. Cái khó và khổ cho người dân là vẫn còn quá thiếu các mô hình thông tin y học đáp ứng được yêu cầu “nghe xong có gì để dùng”, nghĩa là không chỉ dễ hiểu, dễ học mà đồng thời dễ hành, sao cho người nghe hài lòng đến độ “à há” vì phát hiện điểm hữu ích nào đó. Chương trình truyền thông phục vụ sức khỏe cộng đồng theo kiểu nào không quan trọng, miễn là gắn liền với thực tế nhằm cải thiện chất lượng của cuộc sống chính là điều quần chúng đang mong đợi, vì thành thật mà nói, người dân xứ mình vẫn còn thiếu và thiếu rất nhiều thông tin y học.

Thêm vào đó, thông tin về Đông y nếu có nội dung thực tiễn cũng là đòn bẩy để mọi giới trong và ngoài ngành y có cái nhìn khách quan hơn, trung thực hơn về giá trị kinh nghiệm ngàn đời của y học dân gian, thay vì hoặc mang định kiến phiến diện theo kiểu chưa hiểu đã từ chối. Hoặc ngược lại, áp dụng một cách cường điệu vì thiếu tri thức để rồi mang hại nhiều hơn là có lợi. Ai chữa lành, người đó có lý (Hippocrates).

Có một điều chắc chắn: ngày nào còn người “da vàng”, ngày đó Đông y còn hiện hữu. Vấn đề chỉ là làm sao đãi cát lọc vàng trên sa mạc kinh nghiệm vô tận của nền y học dân gian để phục vụ sức khỏe của người dân, để Đông y đừng bị lợi dụng hay lạm dụng, không hơn không kém, vì với người bệnh, không gì quan trọng hơn hiệu quả, càng sớm càng tốt, càng rẻ càng hay, càng tiện dụng càng khéo, bất kể phương pháp Đông hay Tây.

dongyhoangtuyen.com

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

CÁC BÀI LIÊN QUAN